Giai thoại Giả_Đảo

Khi ở Trường An có lần Giả Đảo bị bắt trói mất một buổi chiều, chỉ vì xô phải quan Kinh Triệu doãn Lưu Thê Sở, khi ông đang đi giữa đường, ngâm nga tìm vế đối cho câu “Lạc diệp mãn Trường An (Lá rụng đầy Trường An), bất chợt nghĩ ra câu “Thu phong xuy vị thủy” (Gió thu thổi sông Vị).

Cũng ở nơi đó, có lần Giả Ðảo cưỡi lừa ngâm thơ, chợt nghĩ ra được hai câu:

Ðiểu túc trì biên thụ,Tăng xao nguyệt hạ môn.

Nghĩa là:

Chim ngủ cây bên ao,Sư gõ cửa dưới trăng.

Nhưng ông lưỡng lự, không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ), nên vừa đi vừa đưa một tay ra gõ rồi lại đẩy, mà không để ý tới xe của Hàn Dũ đang chạy qua. Hàn Dũ dừng xe, hỏi chuyện rồi khuyên dùng chữ “xao”. Từ đó, hai người quen nhau và cũng từ đó hai từ “thôi xao” được dùng để chỉ sự đẽo gọt câu thơ một cách quá đáng.

Tương truyền đêm trừ tịch hàng năm, Giả Ðảo mang hết thơ làm trong năm bày lên án, đốt hương, rót rượu vái lạy rằng: “Ðây là nổi khổ tâm của ta trong suốt năm nay !” Chính vì sự “khổ ngâm” này mà Giả Ðảo và bạn cùng phái thơ với ông là Mạnh Giao được Tô Ðông Pha gọi là “Giao hàn, Giả sấu” (Giao lạnh, Giả gầy).

Một ngày kia, Đường Tuyên Tông (ở ngôi: 846-859) vi hành đến Pháp Kiền Tự, bỗng nhiên nghe trên lầu có người ngâm thơ bèn lên lầu tìm. Gặp Giả Đảo, nhà vua cầm quyển thơ lên xem, ông giành lại nói: Làm thế nào ông xem nổi thơ này. Nhà vua không nói gì, bỏ về. Về sau, rõ chuyện, Giả Đảo lật đật đến tạ tội. Tuyên Tông chẳng những không bắt tội mà còn giao cho ông chức Chủ bạ Trường Giang.[13]